Trường Trung cấp nghề Quang Trung là đơn vị dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được UBND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập trên cơ sở nâng cấp từ trường Kỹ thuật Công nghệ Quang Trung và là đơn vị trực thuộc UBND quận Gò Vấp. Tiền thân của trường là Trung tâm dạy nghề quận Gò Vấp được thành lập từ năm 1986.
Mục tiêu của trường là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở trình độ trung cấp nghề, sơ cấp nghề nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho họ có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Trường Trung cấp nghề Quang Trung có nhiệm vụ chủ yếu:
- Đào tạo nghề theo 2 cấp trình độ: trung cấp nghề và sơ cấp nghề theo quy định.
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động.
- Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
1. Những điểm mạnh
Qua từng giai đoạn, mục tiêu và nhiệm vụ của trường được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung và của quận Gò Vấp nói riêng. Từ năm 1986 đến 2006, trường chủ yếu tập trung đào tạo nghề ngắn hạn; từ 2006 đến 2007, đào tạo hệ công nhân kỹ thuật tương đương bậc 3/7; từ 2007 đến nay trường chính thức hoạt động theo điều lệ trường TCN và xác định mục tiêu nhiệm vụ như trên. Nhiệm vụ trọng tâm của trường cũng xác định trong từng giai đoạn và được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển, kế hoạch công tác năm; được công bố, bàn bạc rộng rãi và được rà soát điều chỉnh cho phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của quận Gò Vấp.
2. Những tồn tại và kế hoạch
Đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao là mục tiêu quan trọng để phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên tâm lý của người lao động chưa chú trọng đến việc học nghề và đào tạo nghề, tâm lý “trọng thầy, khinh thợ” vẫn còn phổ biến trong suy nghĩ của đại bộ phận người lao động. Chính vì vậy, việc tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn, chất lượng đầu vào của học sinh không cao cả về trình độ và ý thức.
Mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của nhà trường được phổ biến rộng rãi, được công bố công khai tuy nhiên một số cán bộ viên chức của trường chưa quan tâm đúng mức; chưa am hiểu để xác định rõ phương hướng phấn đấu của bản thân.
Trong thời gian tới nhà trường sẽ chú trọng hơn đến công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá tuyển sinh để những chủ trương, chính sách ưu đãi cho người học nghề và hoạt động đào tạo của trường đến được đến mọi đối tượng lao động trong xã hội. Tranh thủ các nguồn vốn, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, mở rộng qui mô và các ngành nghề; nâng cao chất lượng đào tạo để xây dựng thương hiệu, thu hút người lao động đến đăng ký học nghề.
Xác định nhiệm vụ trước mắt, mục tiêu lâu dài, trao đổi bàn bạc trong nhà trường, xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức đoàn kết, đồng thuận để thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của nhà trường.